Bình luận quốc tế

Chìa khóa an ninh ở Y-ê-men

Vụ đánh bom liều chết của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) nhằm vào trung tâm tuyển quân tại Y-ê-men làm 71 người chết là tiếng chuông báo động về tình trạng bạo lực lên tới mức cực kỳ nguy hiểm tại quốc gia nghèo trên bán đảo A-rập. Khoảng trống an ninh và rối loạn chính trị ở Y-ê-men đang biến nước này trở thành “mảnh đất màu mỡ” để IS cũng như các tổ chức khủng bố trong khu vực mở địa bàn hoạt động mới. Điều đó cũng làm cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Y-ê-men đứng trước nhiều thách thức.

Kể từ sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống A.Xa-lê vào năm 2012, Y-ê-men bất ổn trầm trọng. Phiến quân Hồi giáo Hu-thi, được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Xa-lê, đã chiếm thủ đô Xa-na vào tháng 9-2014, sau đó giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở miền nam Y-ê-men. Từng là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, song chính phủ của Tổng thống đương nhiệm M.Ha-đi rơi vào khủng hoảng khi không thể kiểm soát đất nước trước làn sóng bạo lực của phiến quân Hu-thi, buộc ông Ha-đi phải lưu vong ở A-rập Xê-út. Đất nước Y-ê-men chìm vào nội chiến kéo dài suốt gần hai năm qua kể từ khi liên minh do A-rập Xê-út đứng đầu tiến hành cuộc can thiệp quân sự bằng các vụ không kích dữ dội chống lực lượng Hu-thi từ tháng 3-2015 và các chiến dịch trên bộ từ tháng 7-2015.

Các chiến dịch quân sự tốn kém chưa thể làm thay đổi cục diện cuộc chiến mà chỉ càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở Y-ê-men. Bạo lực vẫn bao trùm quốc gia nghèo trên bán đảo A-rập. Trong số hơn 6.500 người thiệt mạng trong 18 tháng xung đột, có hơn một nửa là dân thường và bạo lực đã đẩy 2,5 triệu người vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Thiệt hại kinh tế do cuộc nội chiến gây ra ước tính lên tới hơn 14 tỷ USD. Hơn một nửa dân số Y-ê-men hiện đối mặt nạn đói và khoảng 21 triệu trong số 28 triệu người dân nước này đang cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.

Dưới nỗ lực trung gian hòa giải của Liên hợp quốc, các cuộc hòa đàm giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy Y-ê-men đã diễn ra tại Cô-oét, song không có bước đột phá nào. Cánh cửa hòa bình vẫn đóng im ỉm. Chưa có dấu hiệu nào về khả năng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt nội chiến. Các bên không thể thống nhất những vấn đề then chốt. Lực lượng Hu-thi yêu cầu thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc trước khi tiến tới bất kỳ một giải pháp nào, còn phái đoàn Chính phủ Y-ê-men kêu gọi thực thi Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó yêu cầu phiến quân và các đồng minh phải rút khỏi các khu vực chiếm đóng từ năm 2014 và bàn giao vũ khí hạng nặng.

Cuộc khủng hoảng kéo dài ở Y-ê-men cản trở cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ đang tiến hành ở nước này nhằm ngăn chặn các tổ chức cực đoan lập căn cứ mới trên bán đảo A-rập để làm bàn đạp thực hiện các vụ tiến công trong khu vực. Khoảng trống an ninh ở Y-ê-men đã tạo điều kiện để các tổ chức khủng bố như An Kê-đa và IS tung hoành. Thành phố cảng miền nam A-đen gần đây liên tiếp chứng kiến các vụ đánh bom và xả súng đẫm máu của các tay súng thánh chiến nhằm vào các quan chức và lực lượng an ninh. Trong chuyến thăm A-rập Xê-út mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri đã thảo luận với lãnh đạo các nước vùng Vịnh nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột Y-ê-men. Ông Ke-ri cảnh báo rằng, cuộc xung đột kéo dài 18 tháng qua, trong đó A-rập Xê-út đã thực hiện hàng nghìn cuộc không kích để hỗ trợ chính phủ lưu vong của Y-ê-men, đã đi quá xa và cần chấm dứt. LHQ cũng từng lên tiếng cho rằng, không thể có một giải pháp quân sự đối với Y-ê-men. Trong chuyến công du Trung Đông này, nhà ngoại giao Mỹ đã tuyên bố sáng kiến hòa bình mới cho Y-ê-men, theo đó, sẽ nhanh chóng thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, rút các lực lượng khỏi thủ đô Xa-na và các khu vực khác, đồng thời chuyển tất cả vũ khí hạng nặng từ nhóm Hu-thi cùng các lực lượng đồng minh cho một bên thứ ba.

Với con số thương vong lên tới hàng nghìn người trong một năm rưỡi qua, Y-ê-men đang trở thành một điểm nóng mới đáng chú ý trên “bản đồ an ninh” khu vực. Tuy nhiên, việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường khi thực tế cuộc xung đột ở Y-ê-men được cho là có sự can thiệp từ bên ngoài. Sự ủng hộ công khai của A-rập Xê-út đối với chính phủ đương nhiệm Y-ê-men và những cáo buộc về việc I-ran hậu thuẫn lực lượng nổi dậy Hu-thi khiến tình hình trở nên phức tạp. Chìa khóa an ninh ở quốc gia trên bán đảo A-rập này thật sự nằm trong tay ai vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Nếu không thể tìm ra giải pháp chấm dứt khủng hoảng, cuộc xung đột có thể biến Y-ê-men thành “thùng thuốc súng” mới ở Trung Đông.