Ðộng lực thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học và công nghệ

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Bỉnh, phó Chủ Tịch hội khoa học-kỹ thuật xây dựng TP Hồ Chí Minh được nhận giải VIFOTEX 2009 về đề t
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Bỉnh, phó Chủ Tịch hội khoa học-kỹ thuật xây dựng TP Hồ Chí Minh được nhận giải VIFOTEX 2009 về đề t

Giải thưởng là động lực quan trọng để thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học và công nghệ ở nước ta.

Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam  tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như: Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí và tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Các công trình tham gia giải thưởng là kết quả nghiên cứu, ứng dụng thuộc các chương trình, đề tài khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước, các đề tài nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ trong sản xuất của các doanh nghiệp. Các công trình đoạt giải là kết tinh sức mạnh sáng tạo của các nhà khoa học và chuyên gia, phản ánh chất lượng các công trình nghiên cứu trong nước, nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học để đưa các kết quả từ phòng thí nghiệm đến với sản xuất và đời sống. Ðây là tiêu chí quan trọng khi xét giải và cũng là mục tiêu hàng đầu của các công trình sáng tạo khoa học công nghệ tham gia tranh Giải VIFOTEC. Trong 15 năm qua, đã có gần hai nghìn công trình tham gia giải thưởng và đã có 500 công trình đoạt giải. Các công trình đoạt giải đã và đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước. Tiêu biểu như một số công trình sau:

Công trình "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị hút bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của thành phố Hà Nội" của tác giả Trần Ðức Quảng và các cộng sự  thuộc Viện nghiên cứu cơ khí, Bộ Công thương.

Tàu hút bùn công nghệ khí nén là sản phẩm mới, lần đầu tiên được nghiên cứu, ứng dụng tại Việt Nam. Ðây là thiết bị nạo vét bùn thuộc nhóm công nghệ đặc biệt, được nhiều dự án trên thế giới sử dụng cho hút bùn sông, hồ và biển.  Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được giải pháp hút bùn mới, hiện đại, áp dụng phù hợp cho hút bùn các sông thoát nước của Hà Nội, đó là sử dụng  tàu hút bùn dưới sông và chuyển bùn vào xà-lan hoặc lên xe téc bằng đường ống kín. Với phương án bơm vào xe téc trên bờ sông, tàu hút bùn tạo ra giải pháp hút bùn mới, không phải dùng thiết bị chuyển bùn trung gian như xe hút chân không (là thiết bị nhập khẩu, rất đắt tiền), làm giảm chi phí sản xuất (dự tính khoảng một phần ba so với phương án thông thường), đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Công trình "Hệ thống chỉ huy - Ðiều khiển cho các trung tâm cảnh giới vùng trời, vùng biển" của tác giả Lê Anh Dũng và cộng sự thuộc Công ty Tư vấn Ðầu tư và phát triển công nghệ (AIC), Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng. Công trình thiết kế được một hệ thống CNTT phức tạp, kết nối và xử lý nhiều nguồn tin, trong đó chất lượng nguồn tin (ra-đa) phù hợp với các điều kiện Việt Nam, góp phần từng bước hiện đại hóa quân đội, chủ động thay thế nhập khẩu, nhất là trong lĩnh vực phần mềm và tích hợp hệ thống. Làm chủ mã nguồn phần mềm, xây dựng các chức năng hệ thống phù hợp với đặc điểm yêu cầu tác chiến của quân đội. Giá thành hệ thống (khoảng 300-500 nghìn USD tùy cấu hình) rẻ hơn đáng kể các hệ thống cùng loại nhập khẩu, khoảng từ một đến hai triệu USD.

Nhằm nâng cao chất lượng giải thưởng, Ban Tổ chức mời một đội ngũ các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học đầu ngành tham gia các hội đồng giám khảo để đánh giá, chấm điểm các công trình tham dự giải. Hội đồng giám khảo làm việc công tâm, trung thực, khách quan để chọn ra các công trình xứng đáng. Qua mỗi năm tổ chức giải thưởng, ban tổ chức đã tập hợp nhiều ý kiến đóng góp quý giá của các thành viên hội đồng giám khảo.  

Giáo sư Nguyễn Ngọc Kính, Chủ tịch Hội đồng chấm giải lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống cho rằng: "Lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, trung bình hằng năm nhận được 40 đến 50 công trình đăng ký dự thi, vài năm gần đây số công trình đăng ký dự thi có xu hướng tăng lên và đối tượng dự thi (tổ chức, cá nhân) cũng phong phú hơn. Ðiều đó chứng tỏ uy tín và sự hấp dẫn của Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam được nâng cao và có sức lan tỏa mạnh. Chúng tôi rất trân trọng các công trình đã đăng ký dự thi và coi đó là kết quả của những tư duy mới cộng với lòng say mê sáng tạo và sự lao động miệt mài của tác giả các công trình".

Thực tế cho thấy, nhiều công trình đoạt giải thưởng đã và đang phát huy tác dụng trong sản xuất và đời sống. Tuy vậy, nếu có được cơ chế, thuận lợi về vay vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng sản xuất thì hiệu quả các công trình đoạt giải sẽ còn cao hơn nữa, mang lại lợi ích thiết thực cho các nhà khoa học, tập thể và Nhà nước.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng giải thưởng, Ban tổ chức giải sẽ đổi mới một số nội dung, theo tinh thần góp ý kiến của GS, TSKH Nguyễn Thiện Phúc, Chủ tịch Hội đồng chấm giải lĩnh vực cơ khí, tự động hóa: Ngoài mục đích đánh giá và tôn vinh các công trình khoa học có ý nghĩa thực tiễn đó, giải thưởng cần phải góp phần định hướng, khích lệ các hoạt động khoa học của từng lĩnh vực theo các xu thế tiên tiến, hiện đại và thu hút sự tham gia của lực lượng khoa học trong nước, ngày càng đông đảo hơn; Ban tổ chức giải thưởng nên phát huy cao độ hoạt động như một hội đồng khoa học để không những làm tốt công tác đánh giá, chấm thi mà quan trọng hơn nhiều là "công tác tổ chức" các hoạt động phát động, tổng kết khoa học theo từng lĩnh vực, chứ không đơn thuần là tổng kết mang tính thi đua như thường làm; cần phân tích, cập nhật các thông tin, kiến thức hiện đại của thế giới và để nâng cao yếu tố sáng tạo khoa học ngày càng cao hơn, đáp ứng sự cạnh tranh toàn cầu trong sự phát triển khoa học rất nhanh chóng hiện nay.