UNDP: Việt Nam cần chú trọng y tế, giáo dục

NDO - NDĐT - Theo Báo cáo phát triển con người của Việt Nam 2011 - Dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người – do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố sáng 9-11, Việt Nam đạt được tiến bộ về phát triển con người nhờ tăng trưởng kinh tế song cần chú trọng nhiều hơn đến y tế và giáo dục.

Báo cáo này được phân tích và đánh giá dựa trên ba chỉ số đó là Chỉ số phát triển con người (HDI), Chỉ số phát triển giới (GDI) và Chỉ số nghèo đói con người (HPI)

Chất lượng giáo dục thấp hơn các quốc gia khác

HDI đo lường ba phương diện cơ bản, đó là một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh, được tiếp cận với giáo dục và kiến thức và điều kiện sống đầy đủ. Đây là phương pháp lấy con người làm trung tâm khi đo lường mức độ phát triển.

Trong hai mươi năm qua, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng thêm 37%, đứng trong nhóm các nước có mức phát triển con người là trung bình và xếp thứ 128 trong 187 nước được khảo sát. HDI năm 2011 của Việt Nam là 0,728, tăng 11,8% trong giai đoạn 1999-2008. Đây là tiến bộ đầy ấn tượng phản ánh những thành tựu to lớn của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống.

Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc giải quyết những bất cập về y tế và giáo dục. Tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em dưới một tuổi đã giảm, hầu hết trẻ em đã được tiêm phòng…Việt Nam gần đạt tiếp cận phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tỷ lệ người lớn biết chữ trên toàn quốc là 93% (năm 2008).

Song chính những thành tựu tích cực ở cấp quốc gia đã che giấu những bất bình đẳng dai dẳng giữa các vùng, các nhóm thu nhập và giữa các dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh. Ví dụ như trong lĩnh vực giáo dục chỉ có 40% trẻ em miền núi được tiếp cận với giáo dục mầm non còn dân tộc Kinh là 61%.

Chi tiêu công cho giáo dục ở Việt Nam tương đương với đa số các nước khác trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á (chiếm 5,3% GDP) song kết quả giáo dục lại kém các quốc gia khác. Chi tiêu công cho y tế lại thấp hơn hầu hết các nước. Phần lớn chi tiêu cho y tế và giáo dục là từ hộ gia đình.

Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, do chú tâm nhiều về tăng trưởng kinh tế mà chúng ta chưa có đầu tư thích đáng cho một số mặt phát triển con người quan trọng khác như y tế, giáo dục. Thực tế, từ năm 1999 đến năm 2008 chỉ số thu nhập của Việt Nam tăng 29,9% trong khi chỉ số tuổi thọ tăng 10,1% và chỉ số giáo dục tăng 3,4%.

Con số này cho thấy những tiến bộ về phát triển xã hội bao gồm y tế và giáo dục diễn ra chậm hơn và đóng góp ít hơn cho Chỉ số phát triển con người. Chất lượng giáo dục của Việt Nam thấp hơn so với các nước khác trong khu vực khiến Việt Nam khó cạnh tranh hiệu quả trong một thị trường ngày càng toàn cầu hóa cao.

Công bố Chỉ số đói nghèo đa chiều

Báo cáo quốc gia về Phát triển con người năm nay đưa ra khái niệm mới, đó là Chỉ số đói nghèo đa chiều (MPI) cho Việt Nam. Đây là chỉ số dựa trên điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2008. MPI đo lường chín hình thức thiếu thốn khác nhau về y tế, giáo dục và mức sống. Theo thước đo này, số người nghèo đa chiều tại nước ta nhiều hơn số người nghèo về thu nhập và tỷ lệ này chênh lệch giữa các tỉnh thành. Ở các tỉnh miền núi như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, tỷ lệ này rất cao, trên 70%.

Sự bất bình đẳng lớn và dai dẳng nhất trong Chỉ số đói nghèo con người là vấn đề tiếp cận với nước sạch trong khi với Chỉ số đói nghèo đa chiều là những thiếu thốn về nhà kiên cố, tiếp cận nước sạch, vệ sinh. Bất bình đẳng về thu nhập cũng tăng lên đặc biệt là ở các vùng nghèo giảm nhanh như Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.

Các dịch vụ xã hội có vai trò quan trọng trong việc giảm bất bình đẳng và thoát nghèo, thông qua đó tạo cơ hội cũng như tăng cường khả năng của người dân. Tiếp cận phổ cập với các dịch vụ xã hội và an sinh xã hội có chất lượng và có thể chi trả là nền tảng cho một xã hội ổn định.

Do đó, theo Báo cáo Phát triển con người của Việt Nam năm 2011, chúng ta cần ưu tiên đầu tư để nâng cao kết quả phát triển con người ở mức độ tương đương với những ưu tiên dành cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó tiến hành rà soát các chính sách xã hội hóa, phân phối gánh nặng cho trả các dịch vụ xã hội một cách hiệu quả hơn, công bằng hơn.

Bà Setsuko Yamazaki – Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn trong lĩnh vực xã hội ở cả cấp quốc gia và địa phương để tối đa hóa tiềm năng phát triển con người của Việt Nam.