Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó xâm nhập mặn

NDO - * Cảnh báo sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu ? Hải Dương, An Giang tích cực phòng trừ dịch bệnh hại lúa ? Tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới phía bắc Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, trong ngày hôm nay, các tỉnh miền bắc giảm mưa, nhiệt độ tăng nhẹ từ 1 đến 2oC. Trong khi đó, tại các tỉnh phía nam, khối khí nhiệt đới không còn ổn định như những ngày trước, thay vào đó các nhiễu động tạo mây và mưa liên tục xuất hiện trên khu vực, nhất là vào thời gian buổi chiều tối.

Do đó, nhiệt độ cao nhất trong ngày tại khu vực này giảm dần, nắng nóng không còn quá gay gắt. Trong những ngày qua, mưa đá liên tục xuất hiện tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Sơn La, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, gây thiệt hại về người và tài sản. Tính đến thời điểm này, mưa đá đã làm một người chết, 43 người bị thương, hàng chục nghìn nhà bị tốc mái, hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hại... Hiện, chưa thể dự báo chính xác về các trận mưa đá mà chỉ có thể đưa ra cảnh báo ở khu vực rộng. Người dân có thể nhận biết dấu hiệu mưa đá khi thấy giông mạnh vào ban ngày, mây đen kịt trên bầu trời, hoặc ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột. Cơ quan khí tượng khuyến cáo, nếu thấy cảnh báo mưa đá và những dấu hiệu nêu trên, đặc biệt là vào ban đêm, người dân đang ở những ngôi nhà ngói, lợp tấm prô-xi-măng cần tìm chỗ có mái che kiên cố như nhà mái bằng, nhà tầng để trú. Nếu ở vùng hoang vắng, người dân có thể tạm trú xuống gầm giường, phủ chăn lên trên. Hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ còn kéo dài đến hết tháng 5.

 Một trận mưa giông kèm theo đá hạt nhỏ kéo dài từ 17 giờ 45 phút đến 18 giờ chiều ngày 1-4 xảy ra tại địa bàn TP Sơn La (Sơn La) và các vùng lân cận. Hạt mưa đá rơi xuống có kích cỡ phổ biến bằng hạt ngô, cá biệt có hạt to bằng viên bi ve. Tuy nhiên, mưa giông có kèm theo mưa đá chỉ kéo dài vài phút, cho nên sau cơn mưa các hạt đá đã tan, chưa có thống kê thiệt hại. Ðây là trận mưa đá thứ hai kể từ đầu năm đến nay xảy ra trên địa bàn tỉnh Sơn La.

 Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ðồng Tháp cho biết, tỉnh hiện có 10 địa điểm dự báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V) như Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông), Trại Giống Ðộng Cát (huyện Cao Lãnh), Rừng Tràm Bắc Tháp Mười (huyện Tháp Mười), Rừng Tràm Xẻo Quýt thuộc huyện Cao Lãnh. Chi cục kiểm lâm tỉnh đã báo động cho các  đơn vị, địa phương có rừng biết trước tình hình thời tiết  để chủ động phòng, chống cháy rừng.

 Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền nam, trong tháng này, nước mặn xâm nhập sâu 70 km trên bảy nhánh sông Cửu Long và sông Ông Ðốc, Cái Lớn thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Trước tình hình xâm nhập mặn ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt, các địa phương vùng ÐBSCL đã nỗ lực ứng phó. Tỉnh Bến Tre chi hàng chục tỷ đồng chống hạn mặn cấp bách trong hai năm 2013-2014. Tỉnh Hậu Giang đóng các cống, đập thời vụ để ngăn mặn và trữ ngọt tại các tuyến thuộc kênh xáng Xà No, dọc theo sông Nước Trong, chỉnh lịch thời vụ để xuống giống lúa hè thu né hạn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tỉnh khởi động trạm cấp nước từ kênh Tám Ngàn nhằm cung cấp đủ nước ngọt cho người dân TP Vị Thanh. Tỉnh Bạc Liêu ngăn nước biển tràn vào khu vực bờ kè thuộc phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu), đồng thời nâng cấp tuyến lộ bờ tây thuộc phường ven biển này, với chiều dài gần một km. Ðoạn đê xung yếu tại Ðồn Biên phòng 664 được gia cố. Tỉnh Kiên Giang đắp 95 đập ngăn mặn; nạo vét kênh mương nội đồng, sửa chữa các trạm bơm, đóng tất cả các cống lớn xả lũ ra biển tây để ngăn mặn xâm nhập, đồng thời lấy nước ngọt từ sông Hậu cung ứng cho sản xuất. Tỉnh Trà Vinh chủ động trữ nước ngọt bảo đảm mực nước nội đồng cao xấp xỉ 0,5m ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang. Các cống trên địa bàn huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành được đóng lại để ngăn mặn. Tỉnh Sóc Trăng nạo vét kênh dẫn nước, chống hạn với chiều dài hàng chục km đồng thời điều tiết nước phù hợp nhằm giảm độ mặn trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, bảo đảm sản xuất ổn định tại vùng trồng lúa, nuôi tôm.

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại lúa chiêm xuân, trên các giống lúa như BC15, nếp... với diện tích gần 400 ha. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động phối hợp với người dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng; chú ý kịp thời bệnh đạo ôn lá xuất hiện trên các giống lúa... Cùng với việc thông báo lịch thời vụ xuống giống lúa hè thu năm 2013, chia ra làm hai đợt theo hướng né rầy  trên toàn bộ diện tích xuống giống theo kế hoạch gieo sạ là 230 nghìn ha lúa, tỉnh An Giang vừa phát động chiến dịch diệt chuột trên toàn tỉnh, khuyến cáo nông dân nên áp dụng đồng bộ các biện pháp diệt chuột để đạt hiệu quả cao.

 Liên tiếp những ngày cuối tháng 3, trên địa bàn huyện Ia Pa, Krông Pa của tỉnh Gia Lai xảy ra hiện tượng sét đánh chết người. Các cơ quan có trách nhiệm cảnh báo, Gia Lai chuẩn bị vào mùa mưa cho nên khả năng xuất hiện giông sét vào buổi chiều và đêm là rất lớn. Vì vậy, khi nông dân đang làm đồng hoặc lên rẫy, nếu thấy thời tiết thay đổi, nhất là mây đen kéo kín cả một vùng (mây đối lưu) kèm theo hiện tượng sấm sét, bà con không nên mang trong người những vật dụng bằng sắt, tránh xa và không nên trú mưa dưới những tán cây lớn.

 Ðây là thời điểm đang bước vào mùa khô hạn, mực nước dưới sông xuống thấp cho nên hay diễn ra sạt lở đất bờ sông Tiền, sông Hậu. Theo kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở bờ sông, hiện một số đoạn nằm trên lưu vực sông Tiền và sông Hậu ở huyện Phú Tân và khu vực phường Bình Ðức (TP Long Xuyên) có dấu hiệu sạt lở đất bờ sông. Ở lưu vực sông Tiền, đoạn 1 tại ấp Long Thạnh 2, xã Long Hòa (huyện Phú Tân) có chiều dài 1.500 m, đã xảy ra sạt lở từ đầu năm 2012, làm sáu nhà dân bị hư hại phải di dời. Tỉnh An Giang đã cảnh báo khu vực nguy cơ trong vùng sạt lở, thông báo cho các hộ dân đang sinh sống trong khu vực sạt lở di dời hàng hóa, tạm ngưng sản xuất để bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng cho mọi người. Ngày 2-4, bờ sông Cần Thơ tại ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền sạt lở lớn, làm nhà của bảy hộ sụp hoàn toàn xuống sông, năm căn nhà khác cũng hư hỏng nặng, ước thiệt hại khoảng ba tỷ đồng. Huyện Phong Ðiền đã hỗ trợ cho 12 hộ bị thiệt hại, mỗi hộ bốn triệu đồng, đồng thời xem xét bố trí tái định cư ở nơi an toàn. Theo UBND huyện Phong Ðiền, toàn tuyến còn gần 200 nhà dân sống ven sông, đang nằm trong vành đai sạt lở nguy hiểm.

 Tỉnh Trà Vinh hiện có 11 hợp tác xã và tổ hợp tác hùn vốn nuôi nghêu, thu hút hơn 2.500 người tham gia. Hiện, các hộ nuôi nghêu ở bãi bồi ven biển thuộc ba huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Châu Thành đang đối mặt với tình trạng nghêu nuôi bị chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người nuôi.

 Từ cuối tháng 3 đến nay, trên địa bàn xã Duy Thành và Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có khoảng 15 ha tôm thẻ chân trắng của hàng chục hộ dân tại đây bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, ước tổng thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Nguyên nhân, do người dân thả tôm giống không đúng lịch thời vụ; thời tiết diễn biến thất thường, cho nên khi tôm nuôi được hơn một tháng tuổi bị nhiễm bệnh đốm trắng và hội chứng hoại tử gan tụy dẫn đến chết...

 Nhân Kỷ niệm 54 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, ngày 1-4, nhiều địa phương trên cả nước đã tiến hành thả hàng triệu con tôm, cá ra môi trường tự nhiên như: biển, sông hồ, đầm... góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, qua đó tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên biển.

 Chiều 2-4, tại Hà Nội, trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, Cục Thú y cho biết, dịch cúm gia cầm đã được khống chế trên cả nước. Trong hai tuần qua, dịch lở mồm long móng gia súc và dịch lợn tai xanh lại  phát sinh thêm ổ dịch tại hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Hiện, trên cả nước có ba tỉnh có dịch LMLM và ba tỉnh có dịch lợn tai xanh. Nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát ở mức cao, đặc biệt ở địa bàn Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mua dự phòng 40 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm để giúp các tỉnh các tỉnh chủ động  phòng, chống dịch.

 Nhằm ngăn chặn sự xâm nhiễm chủng vi-rút cúm gia cầm H7N9 vào Việt Nam, ngày 2-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện khẩn số 08 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các bộ, ngành thành viên của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm đề nghị: Tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới phía bắc. Nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới các tỉnh phía bắc; tổ chức giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, các khu vực tập kết buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để các trường hợp vi phạm; tăng cường tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin về nguy cơ lây nhiễm chủng vi-rút cúm mới H7N9 cho người gây tử vong và lây lan dịch bệnh cho đàn gia cầm trong nước...