2017 - Năm thiên tai nặng nề

NDĐT – Cho đến những ngày cuối cùng của năm 2017, khi chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện bài viết này thì vẫn liên tiếp nhận tin tức về cơn bão 15 và nối tiếp là bão số 16. Tràn qua Philippines làm gần 360 người chết và mất tích, quần thảo trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cơn bão có tên quốc tế là Tembin được dự báo ở cấp thảm họa đe dọa các tỉnh Nam Bộ. Dường như, thiên tai chưa khi nào “ngưng nghỉ” trên dải đất hình chữ S. Năm 2017, bão, mưa ngập, lũ ống, lũ quét, sạt lở trực tiếp và ảnh hưởng hầu hết các tỉnh trong cả nước, khiến cho một năm qua đi để lại những dư âm nặng nề, ám ảnh…

Một năm liên tiếp bão chồng bão, lũ chồng lũ

Thông thường, trên Biển Đông chỉ có khoảng 10 - 11 cơn bão hoạt động mỗi năm. Năm 2017, lịch sử nha khí tượng lần đầu tiên ghi nhận vùng biển này có 16 cơn bão và sáu áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Vào năm 1964, ngành khí tượng ghi nhận có 16 cơn bão và ATNĐ hoạt động trong vùng Biển Đông. Nhưng thời điểm đó, dự báo vẫn chưa phân biệt bão hay áp thấp, tất cả đều gọi chung là bão. Năm 2013, lịch sử đã ghi nhận kỷ lục số trận bão trong một năm là 14 cơn, cũng trong năm này, có bốn ATNĐ hoạt động trên Biển Đông. Và bốn năm sau, kỷ lục số trận bão và ATNĐ đổ bộ vào Biển Đông một lần nữa bị phá vỡ.

Thiên tai ngày càng khốc liệt, dị thường, tính trái quy luật ngày càng gia tăng và ở mức độ, cường độ ngày càng lớn hơn, liên tục hơn, đặc biệt là những trận mưa lớn vào cuối mùa khi các hồ chứa đã tích đầy nước, bão rất mạnh vào khu vực ít khi xảy ra…

Và điểm đặc biệt của năm 2017, bão lũ không chỉ còn là “đặc sản” của miền trung, vùng Bắc Trung Bộ, mà đã lan xuống Nam Trung Bộ, ngược lên các tỉnh miền núi phía bắc và để lại những dư chấn nặng nề. Cứ mỗi trận bão lũ qua đi, nhìn lại con số người chết và những thiệt hại về kinh tế không khỏi giật mình ám ảnh.

Thu dọn cây gãy đổ sau bão ở TP Vinh.

NGÀY 17-7

Bão số 2 đổ bộ vào Nghệ An, gây mưa lớn từ Thanh Hóa đến Nghệ An, Hà Tĩnh từ 100-250mm, gió giật cấp 8-9, 9 người chết và mất tích.

Công nhân Trung tâm công viên cây xanh Đồng Hới (Quảng Bình) chặt tỉa cây xanh hạn chế gãy đổ trước bão.

NGÀY 25-7

Bão số 4 đổ bộ vào Quảng Trị, sức gió giật cấp 8-9gây mưa lớn ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên – Huế. Không có thiệt hại về người.

Bão số 10 quật đổ tháp truyền hình ở Hà Tĩnh

NGÀY 15-9

bão số 10 đổ bộ vào Quảng Bình, Hà Tĩnh, sức gió lên tới cấp 15, tàn phá cả một dải từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, hoàn lưu bão còn gây ngập lụt, sạt lở đê, chìm tàu thuyền ở Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế…, 6 người chết.

Hàng loạt tàu thuyền ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên bị chìm

NGÀY 4-11

Bão số 12 đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và một phần nam Tây Nguyên, là cơn bão mạnh nhất lịch sử và gây thiệt hại nặng nề nhất tại Phú Yên trong 30 năm qua, sức gió mạnh nhất lên tới cấp 13. Bão gây ảnh hưởng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đác Lắc. 91 người chết.

NGÀY 19-11

Bão số 14 lại tiếp tục đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa to đến rất to trên diện rộng ở các tỉnh ven biển từ Ninh Thuận đến Phú Yên. Không có người chết.

NGÀY 25-12

Bão số 16 sau khi càn quét quần đảo Trường Sa đã suy yếu thành một vùng áp thấp nhiệt đới rồi tan trên khu vực biển phía Nam.

Trong số năm cơn bão (tính đến cuối tháng 12-2017) đổ vào nước ta, bão số 10 và số 12 là hai cơn bão mạnh, có ảnh hưởng rộng và để lại hậu quả nặng nề nhất từ trước đến nay. Và những ngày cuối cùng của năm, bão số 16 được dự báo ở cấp thảm họa (cấp 15, mức rủi ro cấp 4) đe dọa Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh.

Bão số 10 đổ bộ vào Hà Tĩnh, Quốc lộ 1A tê liệt.

Quảng Bình thiệt hại nặng sau bão số 10.

Bão số 10 mặc dù được cảnh báo trước là đạt cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 (gần cao nhất trong các cấp độ rủi ro, và cũng là cơn bão đầu tiên được Chính phủ đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro trong năm nay), nhưng sức hoành hành và tàn phá vẫn không thể hình dung được. Bão số 10 cũng được liệt vào danh sách bão không theo quy luật. Đổ bộ vào khu vực Kỳ Anh (Hà Tĩnh), giáp Quảng Bình, bão số 10 hoành hành trên đất liền tới 6 tiếng đồng hồ, và để lại cả một dải miền trung tan hoang, điêu tàn.

Bão số 12 đổ bộ đất liền gây mưa lớn.

Bão số 12 gây tàn phá lớn ở Phú Yên.

Tháng 11, bão số 12 với tên quốc tế là Damrey, mạnh nhất trong năm, với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4, đổ bộ thẳng vào khu vực Nam Trung Bộ, nhất là Khánh Hòa, trung tâm du lịch – kinh tế phát triển, vài chục năm nay không có bão lớn. Cơn bão càn quét qua để lại một vùng tan tác, những lồng bè nuôi thủy sản mất trắng, những lồng tôm hùm hàng chục tỷ đồng, chỉ còn lại xác tôm, lồng bè…Thật ám ảnh khi sau cơn bão, người ta tìm thấy những thi thể người nông dân tay vẫn còn ôm chặt những bè nuôi cá, tôm. Nước mắt ngư dân lại chảy mặn trên những vùng biển tan hoang. Nhiều đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở và mất thời gian rất lâu để thông tuyến, trong khi đó hàng chục chuyến bay cũng bị hoãn, hủy, gây ách tắc giao thông trong một thời gian không hề ngắn.

Hoàn lưu bão số 12 khiến miền trung hứng lượng mưa đặc biệt lớn, mực nước các sông lên cao xấp xỉ mức lịch sử. Ngay trước thềm Hội nghị APEC, cố đô Huế, phố cổ Hội An chìm trong biển nước. Mưa lớn gây lũ quét khiến các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi bị cô lập, nhiều người bị vùi lấp trong lũ.

Ngư dân Phú Yên mót từng con tôm hùm còn sót lại sau khi bão số 12 hoành hành.

Không chỉ bão, mà mưa, nhưng là những cơn mưa lớn dai dẳng trên diện rộng và có dung lượng lớn ở khu vực phía bắc, đặc biệt là vùng núi đã làm lớp đất không còn chỗ để ngấm nước, cộng thêm với nạn phá rừng, không còn cây để giữ đất, khiến cho những cơn lũ quét, lũ ống khủng khiếp cứ liên tiếp nối nhau đổ xuống, và để lại hậu quả cũng kinh hoàng không kém bão.

Rạng sáng 3-8, cơn lũ ống từ ngọn nguồn dòng Kim Nọi cao gần 2.000m lao thẳng xuống thị trấn Mù Cang Chải, Yên Bái. Ở mé bên kia, cũng trong đêm đó, Sơn La hứng chịu một trận lũ kinh hoàng tương tự từ đầu nguồn suối Nậm Păm đổ về thị trấn Mường La. Người ta nói cơn cuồng nộ của núi rừng ấy 70 năm, hay cả trăm năm nay chưa từng thấy, nó đã gây thiệt hại về người và tài sản không kể xiết, để lại nỗi ám ảnh lớn trong người dân Tây Bắc…

Sạt lở đất gây ách tắc đường bộ ở Yên Bái hồi tháng 10.

Kim Nọi theo tiếng Thái là suối nhỏ, bốn mùa nước trong vắt, chảy từ xã Kim Nọi xuống thị trấn Mù Cang Chải. Không ai có thể ngờ dòng suối hiền hòa ấy lại có lúc biến thành cơn “đại hồng thủy” cuốn phăng tất cả những gì nó đi qua. Từ nhà cửa, cây cối, hoa màu, tài sản, kho bãi, phương tiện vận chuyển… cho đến những mạng người, tất cả bị cuốn trôi theo dòng bùn đen đặc.

Khu vực giáp suối Nung (thị xã Nghĩa Lộ) nước lũ chảy cuồn cuộn.

Hai tháng sau, vẫn là Yên Bái, nhưng lần này lũ quét chuyển sang tàn phá thị trấn Nghĩa Lộ. Con suối Thia mọi khi vẫn hiền hòa chảy qua thị xã, chỉ trong buổi sáng 11-10 đã trở nên vô cùng hung dữ. Cầu Thia sập, bên suối là những căn nhà bị phạt nham nhở, đồ đạc vật dụng bị cuốn theo dòng nước đục ngầu bùn đất. Hàng trăm ngôi nhà bị ngập, nhiều nhà bị trôi, đẩy người dân vào cảnh màn trời chiếu đất. … Mưa kéo dài nhiều ngày với lưu lượng lớn đã gây ngập úng trên diện rộng cả một vùng từ bắc Trung Bộ đến đồng bằng Bắc Bộ và kéo lên cả các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc…

Những trận lũ quét, sạt lở đất không chỉ làm thiệt hại về người và tài sản, mà còn để lại những cung đường nham nhở, sạt lở, ngập bùn đất, cây đổ, vỡ nát… Giao thông của hàng loạt các tỉnh miền núi tắc nghẽn trong nhiều ngày. Nhiều vùng hẻo lánh bị cô lập, sống trong cảnh thiếu thốn từ những phương tiện sinh hoạt tối thiểu nhất như điện, nước sạch…

Nước ngập sau lũ tháng 10 ở Lỗ Sơn, Tân Lạc, Hòa Bình.

Thiệt hại của các tỉnh sau đợt mưa lũ lịch sử tháng 10.

Những câu chuyện ám ảnh

Bão lũ tràn qua một vùng đất thường rất đột ngột, bất ngờ, và qua đi nhanh chóng. Nhưng những mất mát, thiệt hại thì để lại dư chấn nặng nề không dễ nguôi quên. Hẳn nhiều người sẽ còn ám ảnh mãi hình ảnh một người mẹ ôm chặt con nhỏ lẫn trong đống đất bùn mà đội cứu hộ sau mấy ngày đào bới mới tìm thấy. Đó là vụ lở đất kinh hoàng tại xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình. Một cơn lũ quét bất ngờ vào lúc 1 giờ sáng ngày 12-10 đã đổ ập theo hàng nghìn m3 đất đá, xóa sổ hoàn toàn bảy căn nhà và cướp đi sinh mạng của 18 người, trong đó nhiều người trong một gia đình. Một khung cảnh bình yên trong thung lũng suối Khanh – vốn là một dòng thác nên thơ nơi nhiều du khách đi qua vẫn dừng chân chụp ảnh- chỉ qua một đêm, nửa quả đồi ập xuống vùi lấp xóm nhỏ, biến nơi này trở nên tang thương. Hàng nghìn mét khối đất đá bao phủ một vùng rộng lớn, vùi lấp toàn bộ khu nhà của những người dân tộc Mường sinh sống đã rất lâu đời ở khu vực thung lũng suối Khanh này.

(đơn vị: Nghìn tỷ đồng)

Hiện trường vụ sạt lở núi ở thác Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình ngày 11-10.

Tại hiện trường, có lúc lên tới 300 chiến sĩ gồm lính cứu hỏa, đội cứu hộ, công an, dân phòng, bộ đội… tham gia tìm người mất tích. Sau một tuần tìm kiếm cả ngày lẫn đêm, những thi thể cuối cùng bị vùi lấp đã được tìm thấy.

Thi thể mẹ con chị Đỗ Thị Sinh (37 tuổi) được tìm thấy vào khoảng 10 giờ sáng ngày 15-10, người mẹ trong tư thế ôm chặt đứa con lẫn trong bùn đất. Những hình ảnh ấy, mãi mãi là một nỗi ám ảnh về số phận con người, thật mỏng manh bé nhỏ trước sự nổi giận của thiên nhiên.

Cả một xóm khăn tang trắng xóa (Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình) sau trận lũ quét. Người người bỏ công bỏ việc, đi tìm người thân mất tích, đi dọn dẹp nhà cửa, tìm mót từng thứ đồ vật nào còn dùng được…. Trường mầm non, trường tiểu học, các cô giáo nhặt từng cuốn vở, cuốn sách, từng món đồ chơi ngập bùn để tìm cách sửa sang, dùng lại. Dấu vết trận lũ in hằn trên mảng tường đen kịt màu đất và ô cửa vỡ tan, nham nhở gạch và xi măng. Địa bàn miền núi vốn đã khó khăn, hiểm trở, nay càng hiểm trở và khó khăn hơn sau mỗi trận lũ quét, lũ ống. Chỉ vài giờ đồng hồ lũ tràn qua, phải hàng tháng, có khi hàng năm mới khôi phục được cơ sở hạ tầng trở lại như cũ.

Sạt lở đất cắt ngang tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, đoạn qua Yên Bái.

Đầu tháng 8, cả bản Kháo Giống, xã Kim Nọi (thị trấn Mù Cang Chải, Yên Bái) khóc thương bốn đứa trẻ bị lũ ống cuốn trên núi. Bốn anh em họ: Giàng A Táng (SN 2007), Giàng A Phai (SN 2010), Giàng A Hứ (SN 2002), Giàng A Lu (SN 2010) đang ngủ ở chòi chăn trâu trên rừng cách nhà gần 5km thì cơn lũ ập về vào rạng sáng 3-8 đã khiến bốn đứa trẻ tội nghiệp không kịp trở tay.

Cũng như vậy, năm 2017 để lại một câu chuyện xót xa về người phóng viên trẻ, đã bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp ngay tại hiện trường. Cái tên Đinh Hữu Dư trở thành nỗi đau của đồng nghiệp cả nước khi bỏ dở tất cả mọi sự nghiệp, ước mơ chỉ vì một nhịp cầu bị gãy- cuốn anh xuống dòng sông cuồn cuộn thác lũ trong chớp mắt.

Phóng viên Đinh Hữu Dư.

Đó là khoảng 12 giờ ngày 11-10, người phóng viên 29 tuổi của cơ quan Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Yên Bái, tác nghiệp tại cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái thì bất ngờ mố cầu bị sập. Khi cầu sập, hình ảnh được ghi lại bởi chính đồng nghiệp của Dư cho thấy vẫn còn chiếc xe máy của Dư dựng bên thành cầu, để lại nỗi ám ảnh xót xa cho người đọc. Thiên tai bão lũ đã trở thành một “mặt trận” tác nghiệp đầy nguy hiểm của nghề báo. Đinh Hữu Dư đã được Thủ tướng truy tặng bằng khen vì dũng cảm hy sinh thân mình trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Hiện trường cầu Thia, nơi phóng viên Đinh Hữu Dư và 5 người khác tử nạn.

Trong bão lũ, người ta nhớ về một câu chuyện, nhưng may mắn thay không phải là ai đó phải ra đi bởi bàn tay giận dữ của thiên nhiên, mà là một người dám dong thuyền ra khơi cứu người giữa cơn thịnh nộ của trời đất. Anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) và bảy đồng nghiệp đã dũng cảm lao mình ra biển cứu hơn 200 người. Chiều 4-11, khi tâm bão vừa đổ bộ vào Khánh Hòa, phát hiện thấy nhữngngư dân đang vật vã giữa cơn gió lớn, bám víu vào phao, thùng phuy giữa đám lồng bè đang bị bão đánh tan nát, anh Luân quyết định cùng các nhân viên dùng cano chạy ra cứu người. Dùng đèn pin, đèn pha tìm người, chạy nhiều chuyến liên tục, các anh đã đưa được hơn 200 người vào bờ an toàn. Với hành động này, anh Nguyễn Hữu Luân đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư biểu dương, khen ngợi.

Thiệt hại kinh tế nặng nề

Cũng có lẽ chưa năm nào đánh dấu trên bản đồ đất nước nhiều vùng bị ảnh hưởng thiên tai rộng lớn như năm nay. Bão, hoàn lưu kéo theo mưa lũ, trải rộng và kéo dài cả về thời gian lẫn không gian. Từ các tình bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế… vốn đã quen với bão lũ hằng năm, cho đến nam Trung Bộ, Nam Bộ và các tỉnh miền núi phía bắc, hầu như trong năm 2017, bão lũ không chừa một dải đất nào. Những cơn bão từ mạnh đến rất mạnh liên tiếp thay phiên nhau ập vào đã khiến nhiều vùng, người dân không thể vực dậy kịp.

Đường sá, cầu cống, tháp truyền hình, cơ sở hạ tầng nhiều nơi tan hoang, phải mất hàng tháng trời mới sửa chữa lại được. Lúa, ngô, rau màu, các loại cây trồng, các loại vật nuôi, từ gia súc gia cầm đến thủy hải sản… lứa thì chưa đến độ đã phải thu hoạch chạy bão, lứa bị cuốn trôi, bị bão đánh tan tác. Có những người cầm cố cả cơ nghiệp, tài sản để vay vốn đầu tư làm ăn, chỉ một trận bão là tay trắng và mang thêm gánh nặng nợ nần.

Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài

“Kinh phí ngân sách nhà nước cho khắc phục hậu quả thiên tai và tái thiết sau thiên tai mặc dù Chính phủ đã rất quan tâm song còn ở mức thấp so với yêu cầu, nguồn kinh phí chủ yếu đang dựa vào ngân sách nhà nước, chưa thực hiện được bảo hiểm rủi ro thiên tai. Việc tiếp nhận hỗ trợ từ các nguồn kinh phí của xã hội, các tổ chức quốc tế còn nhiều bất cập, đang là những khó khăn lớn của quá trình khắc phục, tái thiết sau thiên tai.”

Nếu như bão số 10 cấp độ thảm họa tàn phá tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và các huyện tại Quảng Bình đã được dự báo trước, thì đến bão số 12, tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, người dân chưa quen với bão, lần đầu tiên đối phó bão mạnh và bất ngờ không kịp trở tay, mất trắng tài sản. Rất nhiều người nuôi tôm hùm với tài sản ước trị giá hàng tỷ đồng mỗi hộ, đã mất sạchtheo cơn bão dữ. Chưa kể, nước lũ gây ngọt hóa còn ảnh hưởng môi trường nước, khiến tôm nuôi bị sốc… Nước mắt ngư dân mặn hơn nước biển.

Biểu đồ thiệt hại chung năm 2017

Sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ

Bộ đội giúp dân dọn dẹp đường phố sau bão số 12 tại Phú Yên.

Khi chúng tôi hoàn thành bài viết này thì cơn bão mạnh số 16 đã không đổ bộ vào Việt Nam đã biến thành vùng áp thấp nhiệt đới và tan trên biển, nhưng trước diễn biến phức tạp của bão, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến ứng phó, cùng tham gia chỉ đạo có cả Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Vào thời điểm đó, sau khi chỉ đạo và phân công lực lượng ứng phó trong bão và yêu cầu các địa phương không để nhân dân đói ăn, bệnh tật sau bão, người đứng đầu Chính phủ đã nhận định: “Trường hợp bão suy yếu là một may mắn với chúng ta, cũng là thực tập cần thiết để chống chọi với thiên tai lũ lụt”.

Với tinh thần phòng chống bão một cách quyết liệt ấy của Chính phủ, cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, một phần nào đó đã góp phần hạn chế thiệt hại trước thiên tai nặng nề thời gian qua.

Trước mỗi cơn bão dự kiến sẽ đổ bộ vào Việt Nam, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đều tổ chức họp để ứng phó khẩn cấp với bão. Đặc biệt, trong nhiều cơn bão lớn, Thủ tướng đã trực tiếp tham gia cuộc họp để chỉ đạo ứng phó, còn các Phó Thủ tướng đi thị sát kiểm tra, chỉ đạo từ việc phòng chống cho đến khắc phục hậu quả thiên tai.

Ngày 17-7

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó bão số 2.

Chiều 3- 8

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), đi thực địa kiểm tra tình hình thiệt hại do lũ quét gây ra tại thị trấn Mù Cang Chải, thăm hỏi, động viên và chia sẻ những mất mát và thiệt hại nặng nề mà người dân phải gánh chịu.

Ngày 14-9

Tại Bộ NN-PTNT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Hội nghị Trực tuyến ứng phó bão số 10 và đi thị sát chỉ đạo trực tiếp phòng chống bão tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An.

Chiều 11-10

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp khẩn với các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai để triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ.

Ngày 12-10

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hủy các cuộc làm việc tại Hải Phòng để về Ninh Bình thị sát Đập tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, Ninh Bình, chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều.

Sáng 12-10

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tới Hòa Bình và vào hiện trường để chỉ đạo công tác cứu nạn và xử lý giải quyết thảm họa sạt lở đất khiến 18 nạn nhân bị vùi lấp.

Sáng 13-10

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trực tiếp thị sát hiện trường các khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất do ảnh hưởng do mưa lũ. Bên bờ suối Thia, Phó Thủ tướng thắp hương cho những nạn nhân mất tích.

Chiều muộn 3-11

Từ Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với đầu cầu Hà Nội cùng 10 địa phương từ Quảng Trị đến Bình Thuận ứng phó với bão số 12 và mưa lũ sau bão.

Ngày 3-11

Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó bão số 12 tại các tỉnh Nam Trung Bộ.

Chiều 6-11

Tại trụ sở Bộ NN-PTNT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương để chỉ đạo các giải pháp ứng phó tình hình mưa lũ và triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra, chỉ đạo hỗ trợ 1.000 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Chiều tối 18-11

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp khẩn với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa ứng phó bão số 14.

Ngày 24-12

Thủ tướng họp trực tuyến 19 tỉnh chỉ đạo ứng phó bão số 16 cấp 15 tại tỉnh Sóc Trăng.

Sau mỗi cơn bão lũ, việc tái thiết giúp người dân gặp nạn ổn định cuộc sống cũng là vấn đề được các cấp chính quyền quan tâm. Chính quyền huy động toàn bộ lực lượng từ bộ đội, công an, thanh niên tình nguyện… đến vùng bão lũ giúp dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Các đợt quyên góp giúp người dân vùng lũ được phát động từ các cấp Trung ương đến địa phương. Cuộc phát động đó diễn ra từ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc các cấp chính quyền cơ sở và tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… Tất thảy mọi người đều sẵn sàng trích những đồng lương, thu nhập của mình để cứu giúp người bị nạn. Nghĩa cử đầy cao đẹp ấy diễn ra đều đặn và đầy trân quý sau mỗi đợt bão lũ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 12.

Sau những cơn bão lớn như bão số 12, nhiều nước như Mỹ, Nga, Nhật Bản… và các tổ chức quốc tế cũng chung tay giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả sau bão.

Không còn chỉ là nguyên nhân khách quan

Những thiệt hại nặng từ thiên tai trong năm 2017, ngoài nguyên nhân khách quan là tình hình thiên tai ngày càng lớn cả về cường độ, số lần xuất hiện và trái quy luật; khó dự báo, cảnh báo, nhiều tình huống bất ngờ, vượt quá năng lực chống chịu, thì cũng có một phần không nhỏ là do nguyên nhân chủ quan.

Những năm gần đây, công tác dự báo bão đã chính xác hơn trước. Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai luôn kịp thời vào cuộc, tổ chức chỉ đạo ứng phó trước và sau bão, kịp thời thông báo đến người dân về mức độ nguy hiểm và hỗ trợ khắc phục hậu quả. Ngày 3-7-2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Phòng chống thiên tai trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhằm tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo T.Ư về công tác Phòng chống thiên tai hiệu quả hơn.

Dấu vết trận lũ quét tại một trường học ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái.

Tuy nhiên, trước hiện tượng thiên tai ngày càng bất thường, không chỉ người dân mà chính quyền nhiều địa phương còn chủ quan, chưa quyết liệt và chưa có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn, nhất là những nơi ít xảy ra thiên tai. Khánh Hòa, vùng đất đã 20 năm nay không có bão vào, có tới 45 người chết, chiếm tới một nửa số người thiệt mạng trong bão số 12, cũng bởi vì còn thiếu kinh nghiệm phòng chống bão.

Mặt khác, phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát với thực tế, nhất là phương án sơ tán, di dời dân ở những nơi không an toàn. Lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, chưa phù hợp với thực tế; bố trí sắp xếp neo đậu tàu làm công tác cứu hộ, cứu nạn chưa hợp lý nên khi có sự cố cần tổ chức cứu nạn thì chưa kịp thời, không di chuyển được do không có đường ra phía biển.

Việc tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, nhất là với bão mạnh của các địa phương còn xa rời thực tế, không áp dụng được khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Bên cạnh đó, nhận thức, hiểu biết, kỹ năng phòng chống thiên tai của của nhiều bộ phận dân cư còn yếu kém, nên nhiều khi tự gây rủi ro thiên tai cho bản thân, gia đình và cơ sở sản xuất. Nhiều người dân còn giữ thói quen làm nhà tại khu vực sát bờ sông suối, chân sườn núi; luôn tiềm ẩn rủi ro thiên tai nhưng không phòng, tránh kịp thời; sản xuất không đúng thời vụ…

Nhưng một nguyên nhân sâu xa hơn có thể nhìn thấy được, là nạn khai thác tài nguyên khoáng sản bừa bãi, chặt phá rừng phòng hộ… đang ngày đêm góp phần ngày một lớn vào những hậu quả nặng nề của thiên tai.

Quang cảnh điêu tàn sau đợt lũ quét tại Mù Cang Chải.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa bão, ATNĐ sẽ kết thúc muộn, trong nửa cuối tháng 12-2017 và tháng 1, tháng 2-2018 vẫn có khả năng xuất hiện bão hoặc ATNĐ hoạt động trên khu vực phía nam Biển Đông. Ngoài ra, khả năng cao mùa bão năm 2018 sẽ bắt đầu sớm ở khu vực bắc Biển Đông.

Thế nên, năm 2017 khép lại, nhưng có thể vẫn chưa hết một mùa bão lũ bất thường. Lịch sử nha khí tượng cho thấy thiên tai sẽ ngày càng khốc liệt, nên kỹ năng phòng chống thiên tai của con người ngày càng phải cao hơn để thích ứng. Và trên hết, cần có những giải pháp lâu dài, dựa trên những nghiên cứu khoa học nhằm giảm thiểu thiệt hại những cơn cuồng nộ của thiên nhiên, để không phải có những bản tổng kết đau buồn về thiên tai nặng nề như 2017.

Thực hiện: NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ