Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ: Góc nhìn từ nhiều phía

NDO -

NDĐT- Trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết Điều 187 của Bộ luật Lao động (sửa đổi) về tuổi nghỉ hưu của người lao động sắp ban hành, nội dung thu hút sự chú ý của dư luận là khả năng tăng tuổi nghỉ hưu, nhất là với lao động nữ.

Kỹ sư nữ Công ty CP giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam kiểm tra phát triển nuôi cấy mô tế bào (Ảnh: Trần H
Kỹ sư nữ Công ty CP giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam kiểm tra phát triển nuôi cấy mô tế bào (Ảnh: Trần H

* Nội dung chính Dự thảo Nghị định về tuổi nghỉ hưu

Nghỉ hưu chưa phải người cao tuổi

Tiến sĩ Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, nêu lên một thực tế chưa hợp lý hiện nay: phụ nữ nghỉ hưu chưa được coi là người cao tuổi. Bởi theo Luật, người cao tuổi ở Việt Nam tính từ 60 tuổi trở lên. Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu quy định với lao động nữ là 55.

Tuổi thọ trung bình của người dân nước ta hiện nay đã đạt 73 tuổi. Trong đó, tuổi trung bình của nữ cao hơn nam khoảng bốn năm (75 và 71 tuổi). Tuổi thọ của nhóm dân số ở độ tuổi từ 60 trở lên đã cao và ngày càng tăng, hiện đã giữ vị trí thứ ba khu vực.

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011 với tỷ lệ người cao tuổi chiếm khoảng 8,6%. Tỷ lệ cao tuổi và tuổi thọ của người cao tuổi Việt Nam cũng tăng theo thời gian. Dự báo, nước ta chỉ mất 17 tới 20 năm chuyển từ giai đoạn già hoá dân số sang dân số già, ngắn hơn nhiều quốc gia có trình độ phát triển hơn.

Dân số già đã tạo ra nhiều thách thức đối với quỹ bảo hiểm xã hội và các chính sách an sinh xã hội, trước hết là sức ép cho quỹ hưu trí. Theo tính toán Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 2037, quỹ hưu trí có khả năng không đủ chi trả. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu trung bình thực tế của người lao động Việt Nam còn thấp hơn so với quy định, khoảng 53,2 tuổi. Trong đó, tuổi nghỉ hưu thực của nam là 55 và nữ là 51,5. Mười năm qua, số người đóng bảo hiểm xã hội cho một người hưởng lương hưu đã giảm đáng kể, từ 34 người xuống còn 9,9 người.

Những vướng mắc từ dự thảo

Theo đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cơ quan soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Điều 187 trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2012 - về tuổi nghỉ hưu của người lao động, quy định này áp dụng với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm người lao động làm việc trong các doanh nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, không áp dụng với nhóm lao động thuộc lực lượng vũ trang.

Thạc sĩ Nguyễn Duy Cường, Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết, ban biên soạn đưa ra dự thảo quy định người lao động được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Khoản 3, Điều 187 Bộ luật Lao động sửa đổi có thể thực hiện theo hai phương án: kéo dài ngay thêm năm năm hoặc theo lộ trình. Thời điểm áp dụng có thể từ ngày 1-5-2013 hoặc từ ngày 1-1-2014 đối với người thuộc diện nghỉ việc hưởng lương hưu từ thời điểm trên. Một trong những mục tiêu chính của điều chỉnh này là cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, đồng thời tận dụng nguồn nhân lực có kinh nghiệm, có trình độ trong quản lý - chuyên môn.

Đại diện của Tổng cục Dân số nhận định, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động trẻ dồi dào nhưng cũng đồng thời bước vào giai đoạn già hoá dân số. Tuổi thọ người Việt Nam ngày càng được nâng lên, đặc biệt là ở nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên đã tương đương một số nước phát triển ở châu Âu. Quỹ bảo hiểm xã hội ngày càng khó có khả năng chi trả lương hưu. Tuy nhiên, cũng cần tôn trọng quyền được nghỉ hưu, nhất là với lao động nữ vì lý do sức khoẻ. Do đó, ban biên soạn có thể lưu ý quy định mở, dành việc kéo dài thời gian làm việc hay không do người lao động quyết định. Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Louise Chambelain đánh giá, nữ giới giữ vai trò tham gia có phần khiêm tốn trong quá trình ra quyết định ở tất cả các cấp. Nữ giới đảm nhiệm khoảng 9 đến 12% vị trí vụ trưởng, 24% trong Quốc hội và 25% các vị trí của Hội đồng nhân dân. Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ tối thiểu 35% nữ giới tham gia chính trị vào năm 2016. Sự phân biệt về tuổi nghỉ hưu cũng là một trong những rào cản đối với nữ giới khi phấn đấu thành lãnh đạo. Hệ thống hiện nay hạn chế các cơ hội thăng tiến, đề bạt, tiếp cận với đào tạo và phát triển đối với nữ giới, và buộc họ phải dừng sự nghiệp trong khi các đồng nghiệp nam vẫn tiếp tục tiến tới đỉnh cao công việc.

Điều kiện kéo dài thời gian làm việc cũng có hai phương án. Phương án thứ nhất, người lao động thuộc đối tượng trên khi đến tuổi nghỉ hưu được kéo dài thời gian làm việc. Phương án thứ hai quy định người lao động cần có một số điều kiện như cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng, người lao động có nguyện vọng và đủ sức khoẻ.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội, cho biết, trong khu vực và các nước láng giềng, hiện chỉ có Trung Quốc, Cam-pu-chia và Việt Nam còn duy trì chênh lệch về tuổi nghỉ hưu. Xoá bỏ sự chênh lệch trong tuổi nghỉ hưu tạo công bằng cho chị em phấn đấu. Trong cuộc đời làm việc khoảng 30 năm, lao động nữ phải dành khoảng 5 -10 năm chăm sóc con nhỏ. Đây là hoạt động mang nhiều lợi ích cho xã hội, giúp thế hệ trẻ nhận được sự phát triển tốt nhất. Trong bối cảnh Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2012 đã được thông qua, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành nên mở rộng tới đối tượng nữ vụ phó cũng như những người trong ngành kỹ thuật có tay nghề cao. Văn bản cũng không nên đặt vấn đề lao động nữ phải có nguyện vọng bày tỏ với lãnh đạo, người sử dụng lao động để kéo dài thời gian làm việc vì dễ ảnh hưởng tới lòng tự trọng cá nhân, hoặc hình thành những tiêu cực như cơ chế xin - cho.

Vận hành tốt quỹ lương hưu

Về dự báo nguy cơ vỡ quỹ hưu trí trong khoảng 25 năm tới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét nguyên nhân trước hết do quỹ vận hành không tốt. Cần cải cách và quản lý quỹ hưu, tránh những biện pháp tiêu cực để tránh khả năng thâm hụt quỹ.

Ngoài ra, người lao động nghỉ hưu hiện nay vẫn chưa theo đúng luật. Trong thực tế, lao động nam vẫn nghỉ hưu sớm hơn khoảng năm năm và nữ hơn ba năm so với quy định. Do đó cần xiết chặt quy định theo Bộ luật Lao động để tránh nguy cơ vỡ quỹ lương hưu, giảm tình trạng số người hưởng quỹ cao, đóng góp của lao động vào quỹ ít.

Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, để tăng số phụ nữ muốn và có thể làm việc tới tuổi 60, chúng ta cần thực hiện nhiều cải cách, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống giáo dục – đào tạo, giáo dục và y tế. Cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ và môi trường làm việc liên quan đến nhiều đến mong muốn làm việc lâu dài của nữ giới. Cách nhìn về thăng tiến cũng nên thay đổi, nhấn mạnh đến các cơ hội trong chuyên môn, tay nghề thay vì đề bạt.

* Tại 142 quốc gia trên thế giới, có 91 nước quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động hai giới như nhau. Tuổi nghỉ hưu có xu hướng tăng và tăng hơn 60 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn từ 2000 - 2010 trở đi. Có quốc gia và vùng lãnh thổ quy định tuổi nghỉ hưu cao như Nhật Bản: 65 tuổi, Hồng Công: 65, Hung-ga-ry: 62…

Trong số chín quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, bảy nước đã quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động bằng nhau. Riêng Việt Nam và Cam-pu-chia còn quy định mức chênh lệnh 5 năm.