<p>Chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam</p>

Cảnh giác với nhà đầu tư xách theo công nghệ lạc hậu

NDO - NDĐT- Lợi thế về nhân công giá rẻ của Việt Nam không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại, vấn đề được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm chính là cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Duangdej Yuaikwarmdee, Phó Tổng Giám đốc Reed Tradex (Thái Lan) đã chia sẻ như vậy tại cuộc họp báo sáng nay 8-3 về Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” do Báo Đầu tư phối hợp Cục Đầu tư nước ngoài, Tạp chí Kinh tế dự báo và Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài (Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội) tổ chức.

Hội thảo sẽ được tổ chức vào ngày 15-3 tại Hà Nội với sự tham gia của 250 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương, các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo ông Duangdej Yuaikwarmdee, hội thảo chính là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài chuyển tải những thông điệp, mong muốn của mình về môi trường đầu tư ở Việt Nam tới các nhà lãnh đạo Việt Nam. “Việt Nam là nước có rất nhiều cơ hội cho các nhà ĐTNN. Chính phủ Việt Nam nếu có chính sách phù hợp sẽ thu hút được những dòng vốn FDI có chất lượng”, ông Duangdej Yuaikwarmdee nói.

Cũng như nhiều nhà ĐTNN khác, Reed Tradex nhìn thấy ở Việt Nam nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam về đổi mới công nghệ đang tăng cao do yêu cầu phải nội địa hoá nhiều sản phẩm để thay thế hàng nhập khẩu cũng như để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, ông Duangdej Yuaikwarmdee cũng lưu ý, có hai nhóm nhà ĐTNN, nhà đầu tư mang theo công nghệ tiên tiến và nhà đầu tư mang theo công nghệ lạc hậu. Vì thế Việt Nam cần chú ý nhóm thứ hai này.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn ĐTNN vào Việt Nam trong thời gian qua bộc lộ không ít hạn chế, tiêu cực. Vẫn có một số dự án ĐTNN sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia vào lĩnh vực công nghệ cao còn ít; tỷ lệ nội địa hoá, giá trị gia tăng đối với các sản phẩm công nghiệp còn thấp; việc sử dụng tài nguyên, đất đai, khoáng sản còn lãng phí…

Những mặt hạn chế cũng như tích cực của ĐTNN ở Việt Nam sẽ được tập trung phân tích, đánh giá tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” diễn ra ngày 15-3 tới đây. Đồng thời hội thảo cũng sẽ thảo luận định hướng và các giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng ĐTNN trong những năm tới, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tê – xã hội đến năm 2020.