Then – Nghệ thuật
và tâm linh

NDĐT - Năm qua, lại thêm một bộ môn nghệ thuật truyền thống nữa của Việt Nam được ghi danh vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là thực hành Then, một nghi thức trình diễn vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính tâm linh của cộng đồng người Tày, Nùng ở một số tỉnh miền núi phía bắc.

Gắn liền với nghi lễ Then là cây đàn tính. Tính tẩu giữ một vai trò quan trọng đối với thực hành nghi lễ Then, vừa dẫn dắt, vừa là đệm, nhưng cũng đóng vai trò như một giọng hát thứ hai cùng với giọng của nghệ sĩ diễn xướng. Đàn tính là một loại nhạc cụ rất đặc biệt, được làm từ nửa quả bầu khô. Quả bầu không được quá to, cũng không quá nhỏ, chu vi khoảng 60-70cm, hình tròn đẹp cân đối, vỏ dày, gõ vào phải kêu đanh mới cho ra được âm thanh chuẩn. Quả bầu già cắt xuống moi hết ruột, rửa sạch, phơi thật khô rồi ngâm vôi khoảng 2-3 ngày để chống mối mọt và giữ cho âm thanh được ổn định.

Nắp đàn làm từ gỗ cây hoa sữa hoặc cây vông, trước kia dùng nhựa cây hồng để dính vì chưa có keo. Cần đàn được làm từ những loại gỗ dẻo như cây thông đất, cây dẻ, cây mỡ hoặc xoan có tuổi đời từ 15 năm trở lên, chọn mặt gỗ mịn, ít vân. Dây đàn được làm bằng tơ, sau này thay bằng dây cước. Đàn có hai hoặc ba dây, ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn phổ biến đàn hai dây, ở Hà Giang, Tuyên Quang phổ biến cả hai loại. Theo tạp chí Văn Hiến, người Tày có câu ca “Đàn tính của bụt là ba dây - đàn tính hai dây là đàn của Giàng”.

| Những "nghệ sĩ" Then nhí theo người lớn trình diễn Then.

Có nhiều câu chuyện về dây của đàn tính. Nội dung nói chung xoay quanh một chàng trai hoặc một nàng tiên tự làm cây đàn tính từ hạt bầu trời ban hoặc được trời ban cho cây đàn, gẩy lên làm say đắm muôn loài, khi gẩy những khúc nhạc buồn thì cả người, vật và cây cỏ đều buồn tái tê, không thiết ăn uống mà chết. Trời bèn bắt bỏ bớt đi chỉ còn để lại hai hoặc ba dây như hiện nay.

Trong số những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh, Thực hành Then là di sản có sức sống tương đối mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng người Tày, Nùng… Theo tư liệu của Phòng Di sản phi vật thể (Cục Di sản văn hóa), sức sống của Then được bảo đảm và lưu truyền do các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng, những người mời thầy Then đến làm lễ cầu sức khỏe, cầu an và cầu mùa. Then đi vào đời sống người Tày, Nùng bằng cả âm nhạc và tín ngưỡng, gắn liền với những dấu mốc trong cuộc sống của mỗi người cũng như gắn kết với cả cộng đồng.

| Nghệ nhân Then ở Cao Bằng truyền dạy Then cho lớp trẻ

Hiện nay, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở 11 tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang), vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai) và một số địa phương khác.

Cục Di sản văn hóa cũng cho biết, từ năm 2001, Chính phủ đã đầu tư kinh phí từ các Chương trình quốc gia về văn hóa để bảo vệ di sản văn hóa của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, trong đó có nghi lễ Then. Các biện pháp bảo vệ được đề xuất theo định hướng của các chương trình này, bao gồm việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và tạo điều kiện phù hợp phục vụ nghiên cứu; triển khai các hoạt động nhận diện, kiểm kê và tư liệu hóa; nghệ nhân dân gian truyền dạy kiến thức bằng cách kết hợp đưa hát Then và tính tẩu vào chương trình giảng dạy ở trường và xuất bản các ấn phẩm để nghiên cứu, giảng dạy di sản Then bằng cách thúc đẩy, khuyến khích những người trẻ quan tâm đến việc thực hành. Các cộng đồng và nghệ nhân đã tích cực tham gia vào việc lập kế hoạch, đề xuất các biện pháp bảo vệ di sản. Di sản Then của 11 tỉnh cũng đã lần lượt được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia kể từ năm 2012.

| Nghệ nhân Then các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn trình diễn
tại Trung tâm văn hóa phố cổ Hà Nội

Ở các tỉnh có di sản Then, hầu hết đều có những nghệ nhân giữ lửa cho nghề. Không chỉ là những nghệ nhân tuổi cao, nhiệt tình sưu tầm và sáng tác lời Then, như nghệ nhân Hà Thuấn (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), nghệ nhân Mông Thị Sâm (thành phố Lạng Sơn), những người mà tuổi đời và tuổi nghề đã suýt soát ngang nhau, mà còn có cả những nghệ nhân trẻ, những người yêu mến nghệ thuật Then, mong muốn sưu tầm, học hỏi, truyền dạy những vốn văn hóa cổ quý giá của cha ông, như nghệ nhân Nguyễn Xuân Bách (giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc), nghệ nhân Phạm Văn Quang (Ngân Sơn, Bắc Kạn)… và rất nhiều nghệ nhân ở các thế hệ, các lứa tuổi khác đang ngày đêm âm thầm giữ lửa, khơi thông cho dòng chảy của Then chảy mãi…

Như vậy, cùng với Then, Việt Nam đã có 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào danh sách 508 di sản của 122 quốc gia. Đây là niềm tự hào nhưng cũng là thách thức không nhỏ khi phải luôn phải bảo đảm những yêu cầu về tiêu chuẩn của UNESCO, đặc biệt là những yêu cầu về việc bảo vệ, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa phi vật thể này.

| Nghi thức lẩu Then của người Tày ở Lạng Sơn.