Về Ngã ba Đông Dương thăm làng đồng bào dân tộc Brâu

NDĐT - Những ngày cuối năm, chúng tôi háo hức đến với xã biên giới Bờ Y, thuộc tỉnh Kon Tum, nơi có một cột mốc rất ý nghĩa: cột mốc Ngã ba Đông Dương, nơi giáp ranh cùng lúc cả hai nước bạn Lào - Campuchia. Ở đây còn có một dân tộc cũng rất đặc biệt, đồng bào Brâu, một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam hiện nay.

Nơi “một tiếng gà gáy cả ba nước cùng nghe thấy”

Kon Tum là tỉnh nằm phía bắc Tây Nguyên, hiện tại chưa có đường bay thẳng và cũng không có đường xe lửa kết nối. Nếu từ phía bắc đến, thường người ta sẽ bay quá cảnh đến Pleiku (Gia Lai) rồi di chuyển thêm 50km đường bộ, từ Sài Gòn ngược lên thì phần lớn lựa chọn một chuyến xe giường nằm.
Chúng tôi đặt chân đến trung tâm thành phố Kon Tum vào buổi sáng, như phần đông du khách đến với "thị xã Kon Tum cũ" này lựa chọn, sẽ lần lượt thăm quan Nhà thờ gỗ, Tòa giám mục rồi đến với cụm điểm du lịch bên dòng sông Đăk Bla lịch sử: cầu treo Kon Klor, nhà rông Kon Klor và ngôi làng Ba Na bên kia sông, làng Kon K'Tu. Những điểm đến này rất gần nhau nhưng cũng mất nguyên ngày để khám phá, đến tận tối mịt mới về phòng nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một chuyến đi dài hôm sau, cũng là trọng tâm mục đích chính cho toàn bộ hành trình này: xã Bờ Y, nơi có cột mốc ngã ba và ngôi làng Đăk Mế của đồng bào Brâu.
Ngã ba Đông Dương là cột mốc biên giới chung ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia nằm tại xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. Ngay từ sớm chúng tôi đã lên đường vì khoảng cách từ thành phố Kon Tum đến đây là 95km. Theo lối quốc lộ 14 là con đường thẳng tắp chạy đến huyện Đăk Hà, mất chừng một tiếng chạy xe là đến địa danh Đăk Tô, nơi có Khu di tích chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh nổi tiếng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trận địa Đăk Tô - Tân Cảnh là một trong những chiến trường ác liệt nhất Tây Nguyên. Trận đánh diễn ra lúc 15 giờ ngày 23-4-1972, đến sáng ngày 24, Quân giải phóng đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Tân Cảnh, đánh sập cứ điểm chiến lược quan trọng của Mỹ - ngụy ở vùng Bắc Tây Nguyên, làm thay đổi cục diện ta với địch, buộc Mỹ - ngụy phải ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị Paris 1973. Ngày nay, khu di tích nằm trên quả đồi cao 600m, trên quốc lộ 14, đoạn Đăk Tô đi Ngọc Hồi.


Khu di tích chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh nằm ngay trên trục đường huyết mạch quốc lộ 14.

Đường từ Tân Cảnh đi thị trấn Plei Cần, huyện Ngọc Hồi thẳng tắp với hai bên là những nương ruộng khoai mì, cánh rừng cao su.


Rời Đăk Tô, xe chúng tôi tiến về Plei Cần, thị trấn trực thuộc huyện Ngọc Hồi. Con đường nhìn về dẫy núi Ngọc Linh hùng vĩ, trải dài ngút mắt bởi những ruộng khoai mì và những cánh rừng cao su, hai trong số những cây trồng có giá trị kinh tế mũi nhọn, như phần đông các vùng đất Tây Nguyên hiện nay.
Qua Plei Cần là bắt đầu vào xã vùng biên Bờ Y, còn cách Cửa khẩu quốc tế Bờ Y 20km nữa mà đường sá đã vắng hoe, đập vào mắt liên tục là các cột mốc "Vành đai biên giới". Không còn là các con đường đất đỏ quanh năm bụi mù, đường đến cửa khẩu giờ đã trải nhựa phẳng lì, sạch sẽ, cứ chạy thẳng một mạch đến khi nào thấy biển báo ngã ba bên trái chỉ Campuchia, bên phải hướng đi Lào thì rẽ phải thêm vài ki-lô-mét là đến cửa khẩu Bờ Y. Tại đây, sau khi chào hỏi, làm các thủ tục xin phép lực lượng biên phòng lên thăm cột mốc ba nước, chúng tôi được hướng dẫn đi theo lối bên trái cửa khẩu. Đây là đường tuần biên cũng là lối lên cột mốc, đổ bê-tông chạy vòng vèo, uốn lượn theo từng quả đồi. Di chuyển trên đoạn đường 10km cuối cùng này vừa hồi hộp vừa phấn khích, theo từng khúc cua gấp lên dốc, hai bên là những vạt bông lau cao quá đầu và những con đường thông xanh mát. Cách cột mốc khoảng 1km chúng tôi ghé thăm và thắp hương tại Đền thờ các anh hùng liệt sỹ Trường Sơn rồi mới chính thức "chạm tay" vào niềm mong ước bấy lâu, một biểu tượng thiêng liêng của đất nước: Ngã ba Đông Dương!


Rẽ phải tại đây theo hướng chỉ dẫn đi cửa khẩu Lào là đến được Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi.

Sau khi xin phép biên phòng Bờ Y, chúng tôi được chỉ dẫn đi theo con đường bê tông nhỏ bên trái lên cột mốc, đi thẳng sẽ là cửa khẩu nước bạn Lào.

Con đường tuần biên chạy qua những đồi cỏ lau, những cánh rừng thông.

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn mới được khởi công khánh thành, nằm cách chân cột mốc 1km.

Cột mốc ngã ba Đông Dương nằm trên quả đồi có độ cao 1.086m, lát đá lên tận đỉnh.


Sở dĩ gọi là Ngã ba Đông Dương bởi đây là vị trí tiếp giáp nhau của ba nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia. Tại đây, ngày 18-1-2008 đã diễn ra buổi lễ khánh thành trang trọng cột mốc chung ba nước với đầy đủ quan chức ngoại giao cấp cao ba nước cùng lãnh đạo ba tỉnh chung biên giới: là Kon Tum (Việt Nam), Attapeu (Lào) và Ratanakiri (Campuchia). Cột mốc được xây dựng trên quả đồi cao 1.086m hình trụ tam giác, là khối đá granit cao 2m ốp đá hoa cương, với ba mặt hướng về ba nước, trên mỗi mặt đều khắc Quốc huy và tên nước. Đây cũng là nơi duy nhất ở Tây Nguyên và biên giới Tây Nam mà chúng ta khi thức dậy đón bình minh có thể cùng lúc "một tiếng gà gáy cả ba nước cùng nghe thấy". Lên cột mốc với chúng tôi ngày hôm đó, ngoài rất đông du khách, có cả các em nhỏ, các bác lớn tuổi, không ai bảo ai đều hết sức trang nghiêm đặt tay lên ngực nhìn về nơi mặt cột mốc khắc chữ và Quốc huy Việt Nam. Phóng tầm mắt nhìn toàn bộ vùng ba biên giữa đất trời nắng gió, về quê hương tươi đẹp, về dãy núi Ngọc Linh hùng vĩ với niềm tự hào rưng rưng.


Cột mốc được xây hình trụ tam giác bằng đá granit và ốp đá hoa cương, 3 mặt quay về ba nước, trên khắc tên và quốc huy.

Một tấm bảng được dựng lên ghi lại tóm tắt quá trình đàm phán, xây dựng và khánh thành cột mốc, có hình ảnh lãnh đạo trung ương cũng như ba tỉnh Kon Tum (Việt Nam), Attapeu (Lào) và Ratanakiri (Campuchia) trong ngày khánh thành.

Trồng cây ghi dấu ấn của tình hữu nghị, tình anh em của ba nước Đông Dương.

Đứng từ trên cột mốc nhìn về khung cảnh đại ngàn Tây Nguyên, bên dưới là Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi và dãy núi Ngọc Linh.


Ngôi làng của người Brâu

Rời cột mốc Ngã ba Đông Dương vào đầu giờ chiều, chúng tôi quay trở lại lối cũ hướng về trung tâm xã Bờ Y với mục đích ghé thăm ngôi làng của người dân tộc Brâu, là một trong những dân tộc ít người nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Tìm hiểu trước đó, chúng tôi được biết người Brâu chỉ sống tập trung duy nhất tại ngôi làng Đăk Mế của xã Bờ Y này, với chỉ khoảng 400 nhân khẩu. Người Brâu vốn sinh sống ở nam Lào và vùng đông bắc Campuchia, giáp ranh vùng đất Ngã ba Đông Dương, mới nhập cư vào Việt Nam 4-5 đời nay. Sau chiến tranh, từ nơi định cư tít trong rừng sâu, đồng bào Brâu đã được quân đội đưa về định cư tại vị trí thôn Đăk Mế ngày nay. Tuy không phải nguồn gốc hoàn toàn ở Việt Nam nhưng cuộc sống, văn hóa truyền thống của người Brâu khá tương đồng với các dân tộc khác ở Tây Nguyên, từ phát nương, làm rẫy, đến nhà rông, nhà sàn, các lễ hội liên quan gắn bó mật thiết với chu kỳ canh tác lúa trên nương rẫy.
Sau khi dò hỏi đường người dân, chúng tôi cũng đến đúng địa chỉ "Làng văn hoá Đăk Mế", dù cổng làng nằm ngay quốc lộ nhưng tấm biển khá mờ nên nếu ai không để ý sẽ dễ dàng đi qua mất. Đây là một thôn làng "mở", không có đường quanh lối tắt, đường thôn đơn giản chỉ là ngang dọc thẳng tắp, vuông vắn như bàn cờ. Trung tâm thôn là ngôi nhà rông truyền thống của người Brâu với kiến trúc lạ mắt, nằm trong một khuôn viên. Chung quanh bốn phía là trường học, nhà dân xây gạch hoặc nhà sàn với cửa hướng về ngôi nhà rông cộng đồng của họ.


Cổng vào làng văn hóa Đăk Mế của đồng bào Brâu.

Trung tâm cũng là khu văn hóa làng Đăk Mế nằm trên một khuôn viên rộng 120m, là nơi đặt ngôi nhà rông truyền thống.


Nhà rông người Brâu được gọi là Năm-Rôn, gồm một nhà rông "mẹ" chính giữa và hai nhà rông "con" hai bên. Nhà rông "mẹ" là nơi các chức sắc, già làng bàn việc, tổ chức lễ hội, diễn ra các nghi thức quan trọng, nơi tiếp khách... còn hai nhà rông "con" bên cạnh là nơi sinh hoạt của người dân. Năm-Rôn cao chừng 17m, có hai tầng mái, gồm tám cột lớn và 12 cột phụ. Sàn nhà cao hơn mặt đất 1 "tong pa" (đơn vị đo của người Brâu, ước chừng bằng chiều cao một người đàn ông đứng giơ tay). Phần mái rất đặc biệt, ấn tượng, với thiết kế chụm vào hướng lên trên theo hình chữ A, bao gồm hai tầng, tầng mái chính nằm bên dưới, tầng mái phụ bên trên và nhỏ hơn. Với người Brâu, phần mái của ngôi nhà gắn liền hình ảnh cây giáo để tự vệ. Còn mái chính và mái phụ gắn liền với hình ảnh của "lớp da sừng sau gáy của con Rồng".

Nhà rông "mẹ" cao 17m với 8 cột lớn và 12 cột phụ chống đỡ, mái 2 tầng chụm lại theo hình chữ A, tầng chính ở dưới, tầng phụ ở trên.


Trung tâm cũng là khu văn hóa làng Đăk Mế nằm trên một khuôn viên rộng 120m, là nơi đặt ngôi nhà rông truyền thống.

Trái phải nhà rông "mẹ" là hai nhà rông "con", thiết kế giống hệt nhau theo kiến trúc nhà ở Lào, có hai bậc thang dẫn lối lên nhà. Khi có lễ hội, nhà bên trái là nơi phụ nữ nấu nướng, nấu xong mang thức ăn theo lối cửa bên trái vào nhà rông "mẹ", còn nhà bên phải là cánh đàn ông chuẩn bị lễ vật, đồ tế, tương tự sẽ đi theo lối cửa bên phải để vào nhà rông.


Cây lồ ô là nguyên liệu chính được người Brâu dùng để dựng lên nhà rông. Từ những mảng lớn thân cây lồ ô, bà con đã đan thành những tấm lớn làm phên vách và sàn nhà. Phần mái là từng miếng lồ ô được chẻ ra vuông vức chu vi rộng một gang tay, dài hai gang tay, xếp chồng so le lên nhau. Thế nhưng đáng tiếc, năm 1986, ngôi nhà rông này đã bị thiêu rụi sau một trận cháy lớn, dù đã được nhà nước hỗ trợ dựng lại sau đó vài năm, ngôi nhà rông thứ hai cũng chỉ tồn tại được đến năm 2010 là hư hỏng và xuống cấp trầm trọng.
Lần thứ ba dựng lại nhà rông, đã có một số điều chỉnh để phù hợp hơn với cuộc sống cũng như bảo đảm sự an toàn cho bà con, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà rông mới với chủ trương thay đổi thế nào cũng phải giữ được gốc, giữ được thiết kế nhà rông của người Brâu xưa. Một chức sắc trong làng cùng các cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã được cử sang tỉnh Attapeu (Lào), nơi có ngôi làng tổ tiên của người Brâu để tham khảo nguyên mẫu nhà rông, sau đó về nước tiếp tục họp với các già làng Đăk Mế để lên phương án, thống nhất các thiết kế và xây dựng. Ngôi nhà rông mới được hoàn thành sau hai năm xây dựng, làm bằng gỗ là chủ đạo, mái vẫn là "lớp da sừng sau gáy của con Rồng", vẫn hai tầng mái chính - phụ nhưng đã thay gỗ bằng mái ngói. Nhà rông hiện nay nằm chính diện cổng vào khuôn viên, rộng hơn 120m2 hình chữ nhật, khuôn viên này đã được đổ bê-tông khá sạch sẽ với mục đích sử dụng cho các lễ hội, văn nghệ cồng chiêng, đan lát, thể thao. Còn thường ngày, đây chính là sân chơi chung của trẻ em Brâu trong làng Đăk Mế và trẻ em các dân tộc khác trong vùng, khi mới đây (tháng 8-2019), Đoàn Thanh niên Hải quan các tỉnh phía nam đã tài trợ một sân chơi trẻ em tại chính nơi đây.


Nhà rông mới này của người Brâu tuy kiến trúc vẫn như cũ, nhưng phần mái đã thay hoàn toàn bằng ngói.

Trẻ em người Brâu chơi đùa dưới mái nhà rông của làng cũng là sân chơi thiếu nhi được Đoàn thanh niên Hải quan các tỉnh phía Nam xây tặng.


Vụ “phạt vạ” bất ngờ

Trong lúc cả đoàn ngồi chơi với lũ trẻ ở khuôn viên nhà rông, tôi quyết định đi lang thang sâu thêm vào cuối làng để có thể chụp và ghi lại cuộc sống, sinh hoạt, đặc biệt là muốn chụp người Brâu, thì đã xảy ra một sự việc bất ngờ. Gần cuối làng có một đám người đang tụ tập ăn uống trước sân, bên cạnh cây nêu dựng đứng, dưới gốc nêu treo một cái đầu trâu mới mổ, hàng chục đàn ông đàn bà, cả người già đang ngồi quây tròn uống rượu cần theo từng nhóm nhỏ, la liệt các chum vò rượu cần chung quanh. Linh tính mách bảo cho tôi đây là một đám ma hay đám giỗ, liên quan đến người chết của người Brâu. Rất đông dân làng Đăk Mế đang tập trung ở đây, không phải kiếm tìm, sinh hoạt hay con người đều đang diễn ra trước mắt, vấn đề là làm thế nào để chụp được. Tôi nhớ lại những câu chuyện ngoài Tây Bắc, khi có ma chay hoặc đến ngày lễ cúng, theo phong tục đồng bào sẽ đóng cổng, cắm các loại xương lợn, bò, cá... thậm chí viết chữ cảnh báo cấm người lạ vào. Ai vi phạm dù vô tình đi nữa cũng sẽ bị "phạt vạ" theo phong tục địa phương, nhẹ thì con gà, nặng phạt vạ cả con lợn hoặc trâu bò. Nhớ lại chuyện đó, tôi không dám lôi máy ảnh ra, chỉ im lặng đứng nhìn trong tiếng mời gọi vào cỗ của đám trai làng trẻ.


Hình ảnh một đám giỗ của người Brâu. Đám giỗ này được tổ chức trọng đại trong vài ngày, mời rất đông người dân làng Đăk Mế, từ già trẻ gái trai, mổ trâu lấy thịt làm cỗ bàn, đầu trâu được treo trên gốc cây nêu trước sân.

"Uống bát rượu to, ăn miếng thịt lớn" với la liệt vò rượu cần. Người dân tụ tập thành nhiều nhóm nhỏ với rượu và thức ăn được ngả ra ngay trên phản, khoảng sân trước nhà.

Hình ảnh rất đặc biệt của những cụ già, phụ nữ có tuổi đồng bào Brâu. Họ rất thích hút tẩu, trong bữa rượu họ vừa ăn uống, nói chuyện vừa ngậm tẩu thuốc lá trên môi.


Được một lúc, có một người già từ trong nhà đi ra. Sau một hồi hỏi han đến từ đâu, công việc gì, có phải nhà báo hay không... thì cũng có dặn tôi vào làng thì phải xin phép. Đây là đám giỗ đã tổ chức mấy ngày, là đám rất to trong làng, mổ cả trâu để cả làng ăn uống, nếu cậu muốn vào chơi hoặc là nhà báo muốn chụp ảnh tư liệu thì phải xin phép, còn nếu không cứ tự tiện thì sẽ không được đi khỏi đây, bị phạt theo đúng tục lệ làng Đăk Mế. Cứ nghĩ đây là chủ nhà tôi liền xin phép luôn, rằng mình chỉ là khách du lịch muốn tham quan ngôi làng đồng bào Brâu, thấy đám giỗ muốn được xem phong tục của dân bản địa, nếu không phiền xin phép đừng từ xa quan sát và chụp mấy ảnh tư liệu, không đứng gần để tránh làm ảnh hưởng đám giỗ, còn nếu không được cũng không sao cả. Ông già người Brâu nghĩ ngợi một lúc rồi cho phép, tôi mới lấy máy ảnh ra ghi hình lại, từ cây nêu quen thuộc với nhà rông đồng bào Tây Nguyên, những chum rượu cần, đầu trâu, đặc biệt hình ảnh người Brâu đang uống rượu, các cụ già luôn có tẩu thuốc trên môi... thậm chí, một lúc sau quen còn được mời vào bàn ăn thịt uống rượu với họ.
Nhưng… có một người cứ đứng quan sát tôi với vẻ mặt không thiện cảm lắm, lúc tôi chuẩn bị xin phép ra về thì người đó mới tiến lại cầm tay tôi. Đến lúc này tôi mới biết mình đã… nhầm…, ông già lúc nãy cho phép tôi không phải chủ đám mà là trưởng bản, già làng. Đây mới là chủ nhà của đám giỗ.
Người đàn ông nói tôi chưa xin phép gia đình, tự tiện chụp hình, thậm chí ăn uống ở đây, phải chịu "phạt vạ" mới được đi, nếu không sẽ bị tịch thu máy ảnh. Lỗi này là của mình rồi, tôi xin nhận lỗi và sẵn sàng chịu phạt, chỉ mong gia đình "phạt vạ" nhẹ do đây chỉ là nhầm người chứ không phải vô phép tắc. Lúc đó, đám thanh niên trẻ cũng ra nói đỡ, ông trưởng làng lúc nãy cũng ra, may mắn tôi chỉ nhận mức phạt hai thùng bia mời dân làng đang ngồi đây giải khát. Sau khi nộp phạt xong, người chủ nhà lại nắm tay tôi, bảo, cậu đã nộp phạt rồi thì giờ là khách quý của gia đình, xin mời vào trong nhà ăn uống, nghỉ ngơi, bữa tiệc còn kéo dài đến đêm. Nhưng trời đã về chiều, nơi này còn cách thành phố 80km, chưa kể bạn bè tôi còn đang đợi ngoài nhà rông văn hóa làng nên tôi đành xin phép ra về hẹn trở lại vào một dịp khác, ở lại lâu hơn, cùng uống bát rượu to, ăn miếng thịt lớn với dân làng Đăk Mế...
Chúng tôi trở về thành phố Kon Tum cũng 8 giờ tối, tất cả đã mệt nhoài sau một ngày di chuyển gần 200km nhưng ai cũng vui và phấn khích vì những gì "thu hoạch" được ngày hôm nay. Từ việc đặt chân đến điểm Ngã ba Đông Dương thiêng liêng, ngắm nhìn non sông một dải nơi biên giới, tìm được ngôi làng Đăk Mế, ngắm nhìn nhà rông độc đáo, ghi lại hình ảnh, quan sát phong tục và nói chuyện được với người Brâu... tất cả đều rất đáng nhớ và ý nghĩa, một trải nghiệm quý giá mà khó có thể lột tả hết bằng ngòi bút.
Ngày mai, chúng tôi lại trở về với cuộc sống hằng ngày nhưng kỷ niệm tại đây sẽ theo mãi trong tâm trí mọi người. Bờ Y ơi, Ngọc Hồi ơi, Đăk Mế ơi... xin một ngày được trở lại, sớm nhất!



Xuất bản: 25-01-2020
Chỉ đạo thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: HẠ DU
Trình bày: QUANG KHIÊM
Biên tập: BÔNG MAI
Kỹ thuật: PHAN ANH